Chong chóng lá dừa
Đã lâu lắm rồi tôi không được chơi trò chong chóng lá. Chong chóng được làm từ lá dừa – loại lá có nhiều công dụng: Gói bánh, nhóm lửa và làm ra nhiều loại trò chơi khác nhau từ chiếc lá dừa. Những cây dừa quê tôi cao vút và sống hơn cả đời người; những cây dừa chịu nhiều vết thương của bom đạn trong chiến tranh còn để lại. Ngày trườc phần nhiều người dân quê tôi trồng loại dừa xiêm – cho nước ngọt lịm, cái dừa béo ngậy, cơm dày nên ai cũng thích. Để có được trái dừa uống vào những ngày nắng chang chang, Ba tôi phải trèo dừa bằng cái nài leo dừa, Ba thoát thoát trên cây dừa làm chúng tôi vừa mong đợi có dừa ăn, vừa hồi hộp cho Ba, bởi hái dừa cách này nguy hiểm quá. Dần về sau, Ba làm chiếc thang bằng tre có từng nấc thang một để cho anh em tôi không phải tập tành leo dừa bằng chiếc nài nguy hiểm; rồi ba làm cây móc, cho chị em tôi, mấy đứa khoái ăn dừa mà sợ độ cao không dám leo thang.
Ngày ấy, cuộc sống vất vả thiếu thốn nhưng nhà tôi luôn đầy ắp tiếng cười. Khi thì cây mía chia nhau, hay khi thì trái cà na với chén mắm ruốc thơm lừng do Má xào. Có những buổi trưa, chị em tôi nằm lăn lê trên “thảm” hoa mười giờ cặp mé sông, đứa làm nhẫn, đứa làm chiếc nem lầu, đứa làm chiếc xuyến mơ ước, còn tôi ngày nào cũng mê chong chóng lá dừa. Anh tôi thường nói, chong chóng chơi hoài hỏng thấy chán hả? Nhiều lúc tôi cũng chán chiếc chong chóng lá dừa, đó là khi trời êm gió, chiếc chong chóng ngừng quay. Còn những lúc trời thanh lộng gió thì tôi mê tít chiếc chong chóng lá dừa, bởi tôi được anh làm cho trên một khúc trúc dài có thể gắn hàng chục chiếc chong chóng chứ không phải một chiếc như lũ bạn. Hồi ấy, tôi thường mê theo anh chơi trò, bởi anh tôi rất sáng tạo trong việc làm đồ chơi.
Mỗi lần gió thổi mạnh, hàng loạt chiếc chong chóng quay nhưng kỳ diệu là cả chục chiếc chong chóng luôn quay cùng một hướng, nó như anh em chúng tôi mỗi người một tính cách nhưng luôn thương yêu nhau. Nhớ có lần vì ham chơi không học bài mà chị và anh tôi bị Má kêu lên cúi để đánh đòn, vậy là đứa lớn nằm trước dần đến đứa nhỏ, Má thấy 5, 6 đứa, đứa nào đứa đó nằm dài thòng mà vẫn leo lên cúi chẳng biết vì tội gì. Má phá lên cười và cho chúng tôi xuống, nước mắt giọt ngắn, giọt dài chị em tôi xin lỗi Má vì mãi làm đồ chơi không nhắc nhau học bài.
Chiếc chong chóng ngày nào giờ đây với tôi chỉ còn là kỷ niệm. Thế nhưng những kỷ niệm đẹp ấy không thể phai mờ trong chúng tôi. Để làm được chiếc chong chóng lá dừa cần có 1 chiếc lá dừa nguyên vẹn, lá không cần to nhưng không thể là lá nhỏ. Vì lá quá to sẽ làm nặng cánh chong chóng, khó bắt kịp gió, chiếc chóng quay chậm chạm, nhìn không bắt mắt, nó không đủ nhanh để phát ra tiếng kêu rồ rồ rồ trong óng trúc – cần chóng. Ngược lại, nếu lá dừa quá nhỏ, cánh chóng không đủ mạnh để quay, lúc đó cánh chóng sẽ mềm nhũn trước gió, thậm chí không quay được; khi ấy dù chóng có quay như nó cũng như cô tiểu thư lúc chạy bộ đoạn đường dài thì không thể phát ra âm thanh quen thuộc nhưng nghe đã tai như chiếc chóng bình thường. Ống trúc làm cần chóng cũng cần chọn khúc trúc cở 1 lóng trúc là vừa cho 1 chiếc chóng; nhưng óng phải thẳng, có màu xanh lẫn vàng là trúc già sẽ không bị bể đầu cần lúc cưa để cho chong chóng vào cần. Cưa trúc cũng phải từ tốn, không thể nóng vội dễ dập óng; nếu cưa chậm quá, phần đầu óng không trơn, tạo độ quay cho chóng mà nó sần sùi khó quay chóng. Khi thắt hai chiếc lá thành chiếc chóng, để tra vào cần được phải vót một thanh cong dừa độ gang tay, một đầu chừa chút lá như hình cột cờ hoàn chính, đầu còn lại chặt xéo nhọn mới ghim qua chóng không bị tét lá. Chong chóng lá dừa rất đơn giản nhưng những trò chơi làm từ lá dừa luôn đòi hỏi bàn tay tỉ mẫn và cả một nghệ thuật làm trò chơi chứ không phải ai cũng làm ra chiếc chong chóng lá hoàn hảo.
Gần 20 năm không làm chiếc chong chóng, không chơi trò chóng chóng lá dừa, tôi luôn thấy có chút gì đó nao nao và chạnh lòng khi nhìn những chiếc chong chóng hay mọi vật có hình chiếc chóng. Bởi, lúc ấy, trong tôi bao kỷ niệm ùa về, tiếng cười nói ran cả xóm của anh, chị tôi ngày nào đã thay bằng những cuộc điện thoại mỗi khi nhớ nhau.
18 năm tôi rời xa mái nhà nơi làng quê thanh vắng là ngần ấy thời gian chị em tôi chưa một dịp “quay về” khung cảnh ngày ấy. Những buổi chiều nấu cơm khê cả xóm nghe mùi vì mãi chơi trò chong chóng; những liếp dưa hấu chưa kịp tưới trước khi sương chiều xuống cũng vì thi nhau làm chong chóng dài và nhiều nhất… Ôi những cây dừa đã mấy mươi năm vẫn một lòng chung thủy chờ chị em tôi về. Những trái dừa tròn bỉnh mang dòng nước ngọt lịm, cơm dừa béo ngậy mà anh tôi thích cũng ngày một say trái hơn. Má tôi giờ có thêm nguồn thu nhập từ bán dừa tươi, dừa khô nhưng Má cũng buồn hơn vì trước nhà không còn gắn chiếc chong chóng nào, không còn có những âm thanh quen thuộc mà hồi đó Má hay la rầy anh em tôi phá quá, quậy quá Má dẹp muốn xỉu.
Hơn 70 tuổi, Ba và Má giờ đi bên nhau như vợ chồng son, bởi 8 cái “chong chóng gió” ngày nào đá tung cánh, bỏ lại hai thân gầy nương tựa nhau. Tôi là một trong 8 chiếc “chong chóng gió” ngày nào về nhà thường nhưng cũng chẳng ở lâu với Ba Má. Những cực khổ, nhọc nhằn mà ngày nào Ba Má nuôi con hy vọng tụi nó lớn lên đỡ vất vả thì giờ đây Ba Má lại vất vả hơn, bởi chẳng có “cánh chong chóng” nào làm mát cho Ba và Má lúc về chiều. Nhớ chiếc chong chóng lá, tôi lại càng xót dạ khi nghĩ về hai tâm hồn đang hiu quạnh sánh bước khập khiển nơi quê nghèo. Ba Má ơi, con sẽ nỗ lực quay cánh chóng, nỗ lực làm việc bằng chính sức lao động của mình để mang lại những âm hưởng cuộc sống, góp một phần vào niềm vui chung…!
Phúc An